(P2) Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở Việt Nam

Sách xưa chép chuyện khoa thi hội năm Canh Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ I (1680), có hai cặp thầy trò và bố con dự thi. Đó là Vũ Đình Phúc với người con là Vũ Đình Thiều và học trò của ông Phúc là Phạm Hữu Dung.
Đỗ tiến sĩ nhờ... làm "chuồng" cho chữ

Hai bố con ông Vũ người làng Mỗ Trạch, huyện Đường An, nay là xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Còn quê Phạm Hữu Dung ở xã Ngọc Cục, cùng huyện với hai người trên.

Tranh vẽ cảnh trường thi xưa
Khi vào thi, ba người dựng lều gần nhau. Đầu văn sách có câu hỏi về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly (1330-?), người làng Đại Lại, huyện Tống Sơn, nay là Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Quý Ly làm quan trong giai đoạn triều đình nhà Trần đã suy thoái. Ông bèn đoạt ngôi vua Trần, dựng lên triều đại nhà Hồ, muốn thực hiện một số cải cách táo bạo để cứu vãn đất nước.

Nhưng giặc Minh thừa cơ đã đem quân sang xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly tiến hành cuộc kháng chiến, song thất bại và bị bắt giải về Trung Quốc. Cơ nghiệp nhà Hồ xây dựng nên chỉ tồn tại được có 7 năm thì đổ. Dư luận xã hội nhiều thế kỷ qua cho rằng việc Hồ Quý Ly cướp ngôi vua nhà Trần, chịu thua quân xâm lược Minh, để cho chúng bắt cầm tù, là một tội lớn. Nhiều nhà nho các triều đại phong kiến sau đó đã lên án họ Hồ, cho Hồ Quý Ly là “ Quỷ đỏ”, “ gian thần”, “ nghịch tặc”…

Bởi thế, trong khoa thi Hội nói trên, thí sinh phải tuân theo quan niệm chính thống của tầng lớp nho sĩ và xã hội đương thời, khi viết tên Hồ Quý Ly, phải biết chọn chữ như thế nào, để biểu thị sự khinh bỉ, chê bai nhân vật lịch sử này, theo đúng quan điểm của người ra đề.

Ông Thiều và ông Dung dùng chữ “ Ngưu” là “ Trâu” và khung cả bốn phía ngoài, tượng trưng cho cái chuồng để tạo thành chữ “Ly”. Còn ông Phúc thì vẫn viết đúng chữ Ly và cũng khung lại bên ngoài.

Thấy con và học trò không viết theo cách của mình, ông Phúc bực lắm, bèn lấy hòn đá ném sang hai lều bên để nhắc nhở, răn đe. Tuy vậy cả ông Thiều lẫn ông Dung không ai chịu viết chữ “ Ly” theo cách ông Phúc!

Kết quả thật bất ngờ, đến kỳ xướng danh hai ông Vũ Đình Thiều (1658-1727) và Phạm Hữu Dung (1652-?) đều đỗ tiến sĩ. Còn thầy học Vũ Đình Phúc thị bị đánh hỏng, chỉ vì chữ “Ly” tên của nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly không viết là “Ngưu”, có nghĩa là “con trâu”!

Khi thấy con và học trò không nghe lời mình, viết khác đi, mà được trúng cách, ông Phúc mới hỏi xem hai người học được cách viết chữ “Ly” đó ở đâu?. Bấy giờ, ông Dung mới thuật lại chuyện: một lần đến nhà thầy để học, khi ra về ông thấy trẻ em thả diều trên đường, đánh rơi một mảnh giấy, ông nhặt xem thì thấy có đoạn chép về Hồ Quý Ly, mà chứ “Ly” viết là chữ “Ngưu” đóng khung phía ngoài. Ông đưa ông Thiều xem. Đến khi vào thi, đề văn sách lại hỏi đúng ý trên mảnh giấy phết diều nhặt được trước đó, nên hai ông viết theo, nhờ thế được trúng cách.

Như vậy, thi cử thời xưa, hễ ghét ai thì khi viết tên kẻ đó phải thay đổi cả chữ viết, thật là một điều kỳ quặc!

Bị đánh đòn, đi tù vì phạm húy

Ngoài ra, quy chế thi cử của nước ta bắt đầu từ triều Trần trở về sau, còn định ra một số luật lệ nghiêm ngặt, trong đó có điều là phải kiêng húy trong bài thi. Nghĩa là cấm không được viết những chữ chỉ tên vua, hoàng hậu, hoặc một số người trong hoàng tộc! Nếu gặp những từ húy thì bắt buộc thí sinh phải viết khác đi như thêm nét, bớt nét, đảo ngược, đảo xuôi, thậm chí phải để trống!

Thí sinh nào phạm luật này, chỉ cần quên viết một chữ húy, là bài thi bị hủy bỏ ngay, không cần chấm. Ngoài ra, tùy trường hợp, còn bị phạt tội nặng nhẹ khác. Nặng thì có thể bị tù đày, nhẹ thì không được dự các khoa thi sau…

Sách chép danh nhân lịch sử Đào Duy Từ (1572-1634), quê xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa bây giờ, là người có công giúp chúa Nguyễn khai phá phần đất miền Trong của nước ta. Ông Từ có bố là Đào Tá Hán, làm lính cấm vệ trong triều, thời Lê Trịnh. Một lần, ông Hán sáng tác bài thơ, nhằm ca ngợi chiến công của chúa Trịnh, có câu sau:

“ Trang quốc sử ai bằng Trịnh Kiểm
Tỏ thần uy đánh chiếm hai Châu"
( Châu Ái, Châu Hoan)

Thẳng đường rong ruổi vó câu
Phù Lê diệt Mạc trước sau một lòng…”

Lập tức tác giả Đào Tá Hán bị quy ngay vào tội phạm thượng, dám viết tên húy của chúa là Trịnh Kiểm, phải đánh đòn 20 roi và trả về nhà.

Sau đó ông Hán làm nghề xướng ca kiếm sống. Bởi vậy, Đào Duy Từ học giỏi, nhưng vì bố mẹ làm nghề trên, nên triều đình Lê Trịnh cấm không được thi cử, cho nên ông phải bỏ về quê vào đàng Trong theo chúa Nguyễn. 

Đến thời Nguyễn, vua Tự Đức có văn bản quy định rất rõ tội phạm húy trong bài thi cử: Đối với thí sinh không tuân theo quy định đổi những chữ húy chính thành chữ khác khi làm bài thi thì cử nhân bị đánh đòn 100 trượng, tú tài thì phải tước danh tịch. Đối với chữ phải gia dạng, chữ đồng âm, chữ có thiên bằng giống với chữ húy…mà không tuân theo lệ định (thêm, bớt nét hoặc thay chữ khác) thì cử nhân phải đòn 90 trượng… 

Cũng vì quy định phi lý trên, một số học sinh giỏi, làm bài thi xuất sắc trong nhiều khoa thi hương, thi hội nước ta, chì vì đẵng trí quên viết kiêng một tên húy, mà bị đánh hỏng. Có người không được thi cử, hoặc thậm chí còn bị tù đày!

Vì thế mới có chuyện, khoa thi hương ở trường Thừa Thiên Huế có một số quyển thi văn hay, chữ tốt, nhưng vì phạm húy nên bị loại, trong đó có quyển của thí sinh Phạm Gia Hanh. Danh nhân Cao Bá Quát (1808-1855) lần đó được cử chấm sơ khảo. Ông quan niệm quy định phạm húy là phi lý, làm oan uổng nhiều sĩ tử, trong đó có không ít người thực sự có tài năng. Bản thân Cao Bá Quát, được xã hội đương thời ca ngợi văn chương, chữ nghĩa bậc “Thánh”, mà thi cử lận đận hoài, cũng chỉ vì những quy định vô lý trên. Bởi thế ông lấy làm thông cảm với số thí sinh lỡ mắc phạm húy khoa thi này, bèn bàn với người đồng sự là ông Phan Nhạ chữa lại chữ viết trong để bài, để cứu Phạm Gia Hanh.

Cũng theo quy chế thi cử thời đó, thì nơi quan trường chấm thi, chỉ có mực đỏ, cấm ngặt không được đem mực đen vào. Vì thế ông Cao đã nghĩ ra mẹo dụng muội đèn dầu, thấm nước miếng làm mực để chữa bài thi. Nhưng rồi viên giám sát trường thi là Hồ Trọng Tuấn biết chuyện, tâu về triều. Cao Bá Quát bị tội giảo (thắt cổ chết), nhưng cho “Trảm giam hậu” để xử lại.

Bấy giờ, Thiệu Trị là ông vua thích văn thơ, ông Cao nổi tiếng, có lẽ nhờ thế mới được tha chết và phải đi theo phục vụ đoàn sứ sang Indonesia với bản án gọi là “Dương trình hiệu lực”, giống như kiểu đi lao động cải tạo nước ngoài, thường được sử dụng dưới triều Nguyễn.

Hết hạn trở về ông Cao bị thải hồi. Bốn năm sau, ông được triều đình bổ dụng lại… Song đã chứng kiến bao sự bất công, phi lý trong thi cử, sự tha hóa lục đục của triều đình bấy giờ, cũng như tình hình rối ren trong xã hội…khiến ông Cao dứt khoát từ bỏ hẳn cái chốn khoa cử, quan trường và trở về quê chiêu binh khởi mã, nổi dậy chống lại những sự áp bức, bất công đương thời mà ông đã chứng kiến.

Suýt bị đánh hỏng vì chữ xấu

Ngoài hiện tượng làm bài thi có chữ phạm húy bị đánh đòn nói trên, thời xưa nhiều thí sinh chữ viết xấu, giám khảo ngại đọc, nên cũng rất dễ bị điểm liệt. Chuyện kể, khoa thi hương năm Đinh Mão, triều đình Cảnh Hưng (1747), Thám hoa Phan Kính (1715-1761), người xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, được cử làm đề hiệu (chủ đạo) trường thi Kinh Bắc.

Khi chấm bài, có một quyển thi chữ viết rất xấu, giám khảo ai cũng ngại đọc và đều phê điểm liệt. Ông Phan cố xem, thì thấy văn chương rất khá nên lấy đỗ, nhưng một số khảo quan không đồng ý. Phan Kính đã phải viện lý: “Theo sắc chỉ của nhà vua thì khi chấm chỉ việc xét văn mà cho đỗ hay hỏng, chứ không căn cứ mặt chữ”. Nhờ thế, thí sính chữ xấu này mới không bị đánh hỏng. Khi khớp phách mới rõ bài thi trên là của Dương Sử, người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Sau đó ông Sử dự thi hội và đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Đại Lý tự khanh, được phong hàm Đông các đại học sĩ.

Vậy là nhờ có chủ tâm phát hiện người học giỏi, chứ không như một số giám khảo khác định kiến, ngại xem những bài thi chữ viết quá xấu, nên Thám hoa Phan Kính đã cứu người học trò Dương Sử khỏi bị đánh hỏng và nước nhà có thêm một vị tiến sĩ tài năng, được đề danh trên bia đá!

(Theo Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở VN )
    Blogger Comment
    Facebook Comment