Đột ngột qua đời khi còn đang độ sung sức, cái chết của vua Quang Trung từ lâu đã trở thành một bí ẩn lớn trong sử sách nước ta. Đây là 1 sự mất mát lớn cho đất nước trong lịch sử Việt Nam giai đoạn bấy giờ.
Cái chết của vua Quang Trung - Mọi chuyện chưa sáng tỏ
Về ngày mất của vua Quang Trung, Đại Nam liệt truyện ghi là ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Tý (1792). Hoàng Lê nhất thống chí thì viết chung chung là vào tháng Tám. Tuy nhiên, một số tài liệu khác như Tây Sơn thực lục thì ngày đó lại là ngày 30 tháng 7. Trong bài thơ Thu phụng quốc tang cảm nhật, phần nguyên dẫn Phan Huy Ích cũng ghi rằng “Ngày 30/7 thì vua Quang Trung chầu trời”. Vậy đâu mới là ngày mất thật, và tại sao lại có sự chênh lệch nhau 2 tháng.
Trong cuốn Những khám phá về hoàng đế Quang Trung, Tiến sĩ Đỗ Bang đã dẫn một tư liệu rất có giá trị để giải thích cho sự chênh lệch thời gian. Tư liệu đó là bức thư của ông Longer gửi cho ông Blandin vào ngày 21/12/1792 có đoạn viết: “Ông La mothe cũng báo cho tôi rằng cái chết của vua Quang Trung đã được giữ bí mật gần 2 tháng trời bây giờ mới được công bố bởi một sắc lệnh bắt buộc toàn quốc phải chịu tang vị hoàng đế anh minh của mình. Nhưng chúng tôi chưa biết ông ấy mất vì bệnh gì”.
Hoàng đế Quang Trung. |
Tiến sĩ Đỗ Bang cho rằng: Do thời điểm vua Quang Trung mất, trong nước thì quân của Nguyễn Ánh đã về Gia Định, ngoài thì nhà Thanh vẫn còn nuôi bụng báo thù. Bởi vậy Tây Sơn phải giấu tin vua mất để lo ổn định triều đình và an táng xong mới phát tang để tránh bị kẻ thù lợi dụng tấn công.
Qua những dữ kiện vừa nêu ta có căn cứ để đồng tình với tác giả Đỗ Bang về thời điểm cái chết của vua Quang Trung vào khoảng tháng 7 năm 1792. Tuy vậy, ngay trong chính cuốn sách của tác giả Đỗ Bang cũng đã nói rằng theo Niên biểu Việt Nam thì tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) là tháng thiếu nên không có ngày 30. Không lẽ một người như Phan Huy Ích lại có sự nhầm lẫn như thế. Do vậy, vẫn chưa thể kết luận chính xác về ngày mất của nhà vua.
Bên cạnh đó, phần mộ vua Quang Trung cũng là một đề tài thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu nhưng chưa có lời giải đích xác. Theo chính sử triều Nguyễn thì lăng Quang Trung ở nam sông Hương. Và lăng này đã bị nhà Nguyễn phá nát khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn.
Tuy nhiên, sự hoài nghi khu lăng bị phá hủy chỉ là giả cũng có căn cứ. Bởi vì trước lúc mất, vua Quang Trung đã rất ý thức về thế lực của Nguyễn Ánh. Ngài đã di ngôn cho đại thần Trần Quang Diệu “Khi ta chết rồi, bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đến Vĩnh Đô (Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Không thế thì quân ở Gia Định lại bọn ngươi chết không có đất chôn đấy”.
Nếu như đã di ngôn như thế thì có lẽ vua Quang Trung cũng sẽ chỉ đạo táng mình vào một nơi bí mật để tránh bị trả thù đào mộ. Tất nhiên chuyện đó nếu có thì cũng chỉ có một vài đại thần được biết. Mặt khác, khi sứ nhà Thanh sang phúng viếng, triều đình Tây Sơn đã không cho vào Phú Xuân mà xây một lăng mộ giả ở ngoài Bắc Thành (Thăng Long) để cúng tế.
Sự kiện đó cộng với sự kiện giữ tin vua mất một thời gian đủ để ổn định tình hình và lo tang chế xong mới phát tang cho phép chúng ta tin rằng lăng mộ ở Phú Xuân chỉ là một bức bình phong cho người đời nhìn còn lăng mộ thật đã được bí mật an táng ở nơi khác. Tuy nhiên thực sự phần mộ của ngài ở đâu thì đến nay chưa có câu trả lời.
Bí ẩn cái chết của vua Quang Trung
Đại Nam liệt truyện viết về nguyên nhân Nguyễn Huệ chết rất thần bí như sau: “ Một hôm về buổi chiều Huệ đương ngồi bỗng nhiên tối mắt, thấy một ông bạc đầu từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: cha ông mày sinh ra ở đất nhà vua, đời đời làm dân nhà vua mày sao dám phạm đến lăng tẩm, rồi lấy gậy đánh vào trán. Huệ tối sầm mắt ngã vật ra một lúc lâu mới tỉnh”. Cũng theo cuốn sử này, sau khi bị “thần nhân” đánh, Quang Trung ngã bệnh rồi bệnh ngày càng nặng và băng hà.
Câu chuyện này rõ là chỉ nhằm ngụ ý rằng nhà Nguyễn là chân mệnh thiên tử nên ai đụng đến là sẽ bị thần nhân tru diệt để đề cao nhà Nguyễn. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu đời nay cho rằng, loại bỏ yếu tố thần linh ra thì những triệu chứng như mô tả có thể phỏng đoán vua Quang Trung bị mắc bệnh cao huyết áp do làm việc quá căng thẳng, suy nghĩ nhiều dẫn đến tai biến mạch máu não.
Lại có một truyền thuyết phổ biến được nêu trong Hoàng Lê nhất thống chí. Tác phẩm này viết rằng: “Vừa lúc ấy thì vua Quang Trung bị bệnh rồi mất. Hôm ấy nhằm ngày mùa thu, tháng 8 năm Nhâm Tý (1792), sau khi lên ngôi Hoàng đế được 5 năm. Trước đó, khi sứ nhà Thanh sang phong, vua Thanh đã ban cho vua Quang Trung chiếc áo bào, trong có thêu bảy chữ bằng kim tuyến: Xa tâm chiết trục, đa điền thử. Bấy giờ không ai hiểu ra sao, thì ra đến lúc này mới nghiệm”.
“Xa tâm chiết trục, đa điền thử” nghĩa đen là: bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng. Chữ Xa và chữ Tâm hợp lại thành chữ Huệ – tên vua Quang Trung. Chuột thuộc về Tý, ý nói năm Tý vua Quang Trung chết.
Liệu có bàn tay ám hại ngầm của Thanh triều hay không? Điều đó khó mà biết được. Tuy nhiên ý chí nung nấu báo thù của vua Càn Long mâu thuẫn với những cách đối xử với vua Quang Trung của Thanh Đế là rất đáng ngờ. Sau trận chiến năm 1789, hai nước lại giao hảo nhờ tài khôn khéo của Ngô Thì Nhậm. Càn Long đối với vua Quang Trung rất mềm mỏng. Việc xin bỏ lệ cống người vàng từ nhà Minh xin bỏ được ưng thuận. Rồi trước khi Quang Trung mất đã xin hỏi cưới công chúa nhà Thanh, lại đòi đất Lưỡng Quảng. Việc cưới công chúa là việc nhỏ nhưng đòi đất là việc lớn, thế mà Càn Long đồng ý ngay.
Trong khi đó, sau này Nguyễn Ánh sang xin đổi quốc hiệu là Nam Việt thì Thanh triều lại sợ Nam Việt bao gồm cả Lưỡng Quảng nên đổi lại là Việt Nam. Vậy mà Quang Trung dâng một tờ biểu lại được ưng thuận. Việc đâu lại dễ dàng như thế?
Thêm nữa, Trong cuốn sách của tiến sĩ Đỗ Bang (đã nêu ở trên) tác giả đã dẫn ra một chỉ dụ của Càn Long trong việc tiếp đãi đoàn sứ bộ do vua Quang Trung giả sang chầu như sau: “Lại tính mỗi ngày tiêu 4.000 lạng bạc mà Nguyễn Quang Bình vừa đi vừa về mất 200 ngày thì phải chi dùng hơn 80 vạn lạng. Giá lấy số tiền ấy mà làm quân phí đem sang đánh báo thù cho bọn Hứa Thế Hanh còn hơn. Trẫm sở dĩ không dùng binh ở An Nam là vì trẫm tiếc của và thương dân lẽ nào Phúc Khang An lại không hiểu ý đồ của trẫm ư?”.
Như thế thì đủ thấy vua Thanh còn ôm hận và đang nung nấu chuyện báo thù chứ không thực bụng muốn hòa hiếu. Tuy nhiên giả thiết nhà Thanh tẩm thuốc độc vào chiếc áo rồi Quang Trung mặc vào lâu ngày bị chất độc ngấm gây ra bệnh rồi chết thì có vẻ không thuyết phục. Bởi lẽ, là những cựu thù, những món quà tặng nhau người ta còn đang xem xét tỉ mỉ không thể dễ dàng sử dụng. Thêm nữa chiếc áo lại có dấu hiệu khả nghi là thêu 7 chữ như đã nói thì lại càng khiến người ta cảnh giác. Việc hai chữ Xa và Tâm ghép lại thành chữ Huệ thì không lý gì các Nho thần của Quang Trung lại không biết vì nó không có gì là khó khăn.
(Sưu tầm)
Blogger Comment
Facebook Comment