Bức tranh cổ hé lộ ca ghép chân cách đây 1.500 năm

Một nhóm nhà nghiên cứu Italy phát hiện bằng chứng sớm nhất về phẫu thuật cấy ghép chân ở bức tranh thế kỷ 14, cho thấy tham vọng của các bác sĩ cách đây hơn 1.500 năm.

Bức tranh cổ hé lộ ca ghép chân cách đây 1.500 năm


Được một họa sĩ tên Matteo di Pacino sáng tác, tác phẩm trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật North Carolina ở Raleigh, Mỹ, ra đời vào thế kỷ 14. Bức tranh minh họa câu chuyện một người đàn ông ở thế kỷ 5 mắc bệnh ở chân được chữa trị bằng cách cấy ghép.

"Những tài liệu lịch sử mô tả sự việc xảy ra năm 474 như phép màu", Seeker dẫn lời nhà nghiên cứu Antonio Perciaccante làm việc ở khoa nội của bệnh viện Gorizia, Italy.


Theo lịch sử, thánh Cosmas và Damian là hai bác sĩ cải sang đạo Cơ Đốc giáo, chữa bệnh tại tỉnh Syria thuộc Đế quốc La Mã. Họ cắt chân của bệnh nhân và thay bằng chiếc chân lành lặn lấy từ một người đàn ông Ethiopia đã qua đời. Sau đó, họ đặt chiếc chân cụt vào trong quan tài của người đàn ông Ethiopia.

Perciaccante và đồng nghiệp cẩn thận kiểm tra bức tranh và phát hiện chân bệnh nhân mắc một chứng bệnh kỳ lạ. "Chiếc chân cụt có vẻ sưng phù, mềm và thối rữa với một số thương tổn trên da. Dựa vào các đặc điểm này, chúng tôi suy đoán người đàn ông bị hoại tử chân phải do bệnh truyền nhiễm", các tác giả kết luận trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Vascular Surgery.

Theo một cuốn sách viết vào thế kỷ 18 về cuộc đời của các vị thánh, bệnh nhân nhiều khả năng là người trông giữ nhà thờ do hai vị thánh Cosmas và Damian bảo trợ.

Dù ca chữa trị có thành công hay không, câu chuyện minh họa trong bức tranh vẫn cho thấy các bác sĩ thời đó coi cắt bỏ là cách chữa trị tốt nhất đối với chứng hoại tử và khái niệm ghép tạng đã xuất hiện trong suy nghĩ của họ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các bác sĩ ở thế kỷ 5 có thể đã thử tiến hành cấy ghép cho chiếc chân cụt. Tuy nhiên, do không tương thích về mặt sinh học, chiếc chân cấy ghép bị cơ thể người nhận đào thải và nỗ lực của họ thất bại.

( Sưu tầm )
    Blogger Comment
    Facebook Comment