(P2) Bí mật cuộc chiến dưới đáy đại dương

 Tàu ngầm USS Lapton.
Sau vụ USS Gudgeon, các tàu ngầm Mỹ vẫn chưa chịu rút lui. Năm 1959, hải quân Mỹ đã phát động một chiến dịch quy mô lớn mang tên Holystone, chuyên tập trung thu thập thông tin tình báo về lực lượng tàu ngầm của Liên Xô.

Năm 1961, tàu ngầm USS Harder
đã tiến tới tận căn cứ hải quân Severomorsk của người Nga trên biển Barents. May mắn là nó không bị phát hiện và trở về an toàn.

Năm 1963 tàu ngầm USS Swordfish của Mỹ còn lẻn vào giữa cuộc diễn tập kỹ thuật chiến tranh chống tàu ngầm của Liên Xô ở Bắc Thái Bình Dương.


Tàu ngầm USS Swordfish.


Các tàu Liên Xô đã phát hiện và khống chế buộc tàu USS Swordfish phải lặn dưới biển sâu suốt hai ngày. Nhờ sử dụng năng lượng hạt nhân và được trang bị tối tân nên nó không phải trồi lên mặt nước để nạp khí. Nhưng khó khăn lắm tàu USS Swordfish mới thoát trở về.

Không chỉ xông vào những nơi nguy hiểm, để thu thập thông tin tình báo các tàu ngầm Mỹ còn thường xuyên đồn trú ngay bên ngoài các quân cảng của Liên Xô. Một chiến thuật mà tàu ngầm Mỹ ưa dùng là bí mật bám theo các tàu hải quân của Liên Xô khi chúng rời cảng đi làm nhiệm vụ.

Một số tàu ngầm của Mỹ thậm chí còn bơi cách thân tàu Liên Xô chỉ chưa đầy 15 mét để chụp ảnh và ghi âm. Năm 1969, với hệ thống định vị bằng âm thanh SOSUS, tàu ngầm USS Lapon của Mỹ đã theo đuôi một tàu ngầm Liên Xô ở Bắc Đại Tây Dương suốt 40 ngày mà không bị phát hiện.


Tàu USS Tautog.


Tuy nhiên, những hành động như trên của tàu ngầm Mỹ khó tránh khỏi những nguy hiểm chết người. Tháng 6/1970 tàu ngầm tấn công USS Tautog trong khi đang theo dõi một tàu ngầm mang tên lửa của Liên Xô ở Bắc Thái Bình Dương đã gặp nạn.

Do nghi ngờ có tàu ngầm đối phương đang theo dõi, chỉ huy tàu ngầm Liên Xô liền lệnh cho tàu đột ngột quay ngược trở lại để kiểm tra. Khi tàu Liên Xô lướt qua tàu ngầm Mỹ, chân vịt của nó đã chạm phải thân tàu USS Tautog và gây ra một tiếng động khủng khiếp. May mắn là sau cú va chạm này tàu ngầm USS Tautog (có trọng tải 4.800 tấn) đã không bị chìm.


Thuỷ thủ tàu USS Scorpions.


Những vụ tai nạn như vậy không chỉ xảy ra một lần. Trong đó nổi tiếng hơn cả là vụ tàu ngầm USS Scorpion của Mỹ bị đắm tại vùng biển gần Azores tháng 5/1968, sau khi va chạm với một tàu ngầm Liên Xô.

Năm 1986 tàu ngầm tấn công USS Augusta của Mỹ lại đâm phải tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô ở Bắc Đại Tây Dương trong khi đang thử nghiệm hệ thống định vị bằng âm thanh loại mới. Tàu USS Augusta đã bị hư hại nặng sau vụ tai nạn này.


Tàu ngầm USS Halibut đang phóng tên lửa.


Mặc dù bị thiệt hại như vậy hải quân Mỹ vẫn tập trung lực lượng tàu ngầm của mình vào các hoạt động do thám. Cho đến năm 1970, hầu hết các tàu ngầm tấn công tối tân của Mỹ đã được thiết kế thêm các thiết bị để phục vụ cho những chiến dịch tình báo phức tạp xung quanh lãnh thổ Liên Xô.

Thời gian này, những tàu ngầm danh tiếng nhất của Mỹ phải kể đến USS Halibut, USS Seawolf và USS Parche. Do các hoạt động trên có tính chất quá bí mật và nhạy cảm nên những thuỷ thủ trên các tàu ngầm của Mỹ đã bị cách ly trước khi đi làm nhiệm vụ. Họ bị cấm nói về công việc của mình bằng cách mỗi người phải ký một biên bản cam kết đảm bảo "câm lặng" trong vòng 80 năm.


Thiết bị do thợ lặn Mỹ cài dưới đáy biển Okhotsk trong chiến dịch Ivy Bell.


Tuy vậy, một số thông tin về những chiến dịch tình báo đặc biệt của tàu ngầm Mỹ vẫn bị lộ ra ngoài. Dư luận thế giới đã biết đến một trong những điệp vụ tình báo được coi là thành công nhất của hải quân Mỹ có mật danh Ivy Bells. Mục tiêu của điệp vụ này là nghe trộm những đường dây cáp thông tin của Liên Xô dưới đáy biển.

Tàu ngầm USS Halibut được giao nhiệm vụ thực hiện điệp vụ Ivy Bell. Nó đã bí mật tiến sâu vào vùng biển Okhotsk, nằm giữa bán đảo Kamchatka của Liên Xô với đất liền. Tại đây các thợ lặn đã lặn sâu xuống nước hơn 100 mét để cài các thiết bị ghi âm.
    Blogger Comment
    Facebook Comment