Sự tích giếng thần không bao giờ hết nước ở Chùa Ba Vàng

Nói đến chùa chiền ở thành phố Uông Bí, người ta thường nghĩ tới trước hết là hệ thống các chùa tháp Yên Tử. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, chùa Ba Vàng ở Uông Bí đã trở thành một địa chỉ hành hương, một điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn không kém gì Yên Tử. 

Sự tích giếng thần không bao giờ hết nước ở Chùa Ba Vàng


Chùa Ba Vàng là tên gọi dân dã còn tên chính của chùa là chùa Bảo Quang. Chùa nằm trên núi Ba Vàng, thuộc phường Thanh Sơn, cách khu du lịch sinh thái Lựng Xanh khoảng 1 km.

Chùa Ba Vàng được tôn tạo to đẹp vào bậc nhất Việt Nam

Theo văn bia còn lại của chùa thì núi Ba Vàng xưa kia gọi là Thành Đẳng Sơn. Chùa Ba Vàng toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, rộng chừng trên dưới 1.000 m2. Những dấu tích kiến trúc gạch ngói vùi lấp bên dưới nền chùa hiện nay lộ ra cho thấy chùa đã được xây dựng ít nhất vào thế kỷ 17- 18, quy mô khá rộng.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng chia sẻ: Năm 1987, một lão nông địa phương bị mất một đàn bò. Lão lang thang khắp vùng để tìm kiếm, trong lòng luôn cầu trời, niệm phật xin cứu giúp. Đêm đến, lão nông nọ nằm mơ thấy một ông cụ râu bạc phơ hiện ra và nói: “Con cứ lên núi Ba Vàng tìm khắc thấy đàn bò”.

Dù bán tín bán nghi nhưng do tiếc của, lão quyết tâm theo đường mòn leo dốc khi đến độ cao lại có mặt bằng trải rộng, do vấp ngã, lão đã phát hiện những bậc thềm xây tam cấp bằng gạch. Lão về loanbáo để dân làng biết. Và cũng chính lúc này, đàn bò trở về nhà không thiếu một con.

Do sự ngẫu nhiên linh ứng nên dân làng nô nức hội tụ về đây và tìm ra những hiện vật như: Cây hương đá (thiên đài trụ) được tạc bằng đá nguyên khối. Cây hương hình chữ nhật với kích thước cao 1m45, rộng 0.29m, dày 0.25m. Trên đỉnh cây hương là hình bát sen; Bia đá được làm vào thời Lê Dụ Tông (1706); kích thước 0.70m, rộng 0.45m, dày 0.14m dựng trên đế rùa cao 0.40m, dày 0.94m, rộng 0.70m.

Sau phát hiện của lão nông, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu gốc tích của công trình này.

Theo những tài liệu, vào thời Trần (thế kỷ thứ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử tu hành, là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Việt Nam. Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử.

Căn cứ vào khảo cổ khai quật được từ lòng đất tại nền chùa những viên ngói đất nung hình lòng máng màu phớt hồng, kích thước 30x15cm. Mũi ngói giống mũi của chiếc hài. Những viên gạch đất nung lát nền có kích thước 40x40cm. Toàn bộ viên gạch được trang trí một bông hoa bốn cánh (một loại hoa văn đời Trần). Tất cả các viên ngói, viên gạch, mảnh sành tìm thấy đều mang nét văn hóa đời Trần. Chứng tỏ vào đời Trần, nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa nhưng không rõ lý lịch cụ thể về Sư tổ và ngôi chùa.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1987, ngôi chùa vẫn bình lặng chứng kiến những đổi thay của thời gian, không gian. Trong suốt khoảng lặng đó, Bảo Quang Tự không hề có bất cứ một vị trụ trì nào. Cứ thế, con đường dẫn lên núi ngày một rậm rạp, những trùng tu ngày nào của chính quyền dần dần xuống cấp. Bảo Quang Tự tựa như một ngôi chùa hoang vắng, lạnh lẽo. Năm 2007, chính quyền địa phương đã tha thiết thỉnh cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh – lúc đó đang là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - về trụ trì chùa Ba Vàng.

Đứng trước một ngôi chùa hoang tàn, xuống cấp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh bỗng thấy trong lòng dâng lên một cảm giác rất lạ. Kỳ lạ hơn, chiếc giếng nước trong khuôn viên chùa, trước đây khô cạn, bỗng đầy ắp nước trở lại. Cho là điềm báo, Đại đức Thích Trúc Thái Minh quyết tâm gây dựng lại ngôi chùa, hoành dương phật pháp, phổ độ chúng sinh. 

Du khách uống nước từ "giếng thần" trên chùa Ba Vàng để mong tiêu trừ bệnh tật
Sự mầu nhiệm của mảnh đất thiêng liêng này vẫn được người dân nơi đây nhắc đến đó là sự tích về giếng thần cổ. Mặc dù nằm ở độ cao 340m so với mặt nước biển, nhưng giếng không bao giờ hết nước và mạch nước này từ trong lòng núi chảy ra, quanh năm xanh mát. Tương truyền, vào đúng đêm giao thừa, nếu ai có duyên phúc uống được một ngụm nước trong lành nơi đây thì sẽ tiêu trừ nhiều bệnh tật trong người. Các phong thuỷ gia nói rằng, giếng được đặt tại mắt rồng của linh địa này.

Đại Đức Thích Trúc Thái Minh cho hay, sau khi được nhân dân “thỉnh” ra khôi phục, tôn tạo lại chùa Ba Vàng, bản thân thầy đã cùng với các phật tử, chính quyền địa phương đầu tư rất nhiều tâm huyết, trí tuệ, công sức vào đây. Cùng nhờ tâm nguyện thiết tha đó, đã giao cảm, giác ngộ chư tăng phật tử và nhân dân hằng tâm, hằng sản chung tay góp sức xây dựng công trình chùa Ba Vàng hiện nay.

Với quy mô hiện tại, chùa Ba Vàng có thể được coi là một công trình Phật giáo lớn của Việt Nam, một điểm đến của nhân dân trong nước và du khách quốc tế; đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, đồng thời thấy được nét độc đáo của Phật giáo Việt Nam.

( Sưu tầm )
    Blogger Comment
    Facebook Comment