Khám phá chuyện lạ ly kỳ về cụ Rùa hồ Gươm Hà Nội

Như chúng ta đã biết, chiều tối 19/1, "cụ" rùa hồ Gươm đã qua đời lúc hơn 16h. Đối với người dân cả nước, “cụ” Rùa Hồ Gươm được xem như linh vật, gắn với điển tích mượn gươm thần đánh giặc của vua Lê.

Chúng ta cũng tìm hiểu những bí ẩn và chuyện lạ ly kỳ xung quanh cụ Rùa nhé. 


Ngày 19/1, cụ Rùa Hồ Gươm được phát hiện đã chết. Xác rùa được đưa vào bảo quản tại Đền Ngọc Sơn, sau đó được chuyển về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Rùa hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus leloii, họ Ba Ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudies), lớp Sauropsida (Mặt thằn lằn). Rùa Hồ Gươm có kích thước khá lớn, đầu tương đối nhỏ và rộng, mõm ngắn, tròn, vòi rất ngắn, lưng màu vàng lục có những đốm vàng, yếm bụng màu trắng nhạt. Mai rùa mềm chứ không cứng như loài rùa thông thường.

Theo giả thuyết PGS Hà Đình Đức - một người có nhiều năm nghiên cứu về cụ Rùa Hồ Gươm, người đã thu thập được nhiều tư liệu - đưa ra: cụ rùa Hồ Gươm có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi, và được vua Lê thả vào hồ Gươm. Chính vì vậy, người Việt Nam vẫn thường gọi rùa khổng lồ sống ở Hồ Gươm là "Cụ" với hàm ý tôn kính. Rùa Hồ Gươm chậm chạp, hiền lành, thường sống ở những sông hồ sâu, nước chảy yếu. Khi trời nóng thường hay ngóc cổ lên khỏi mặt nước để thở. Mùa đông thỉnh thoảng phơi nắng.

Cụ Rùa lên phơi nắng
Theo nhiều tài liệu, Rùa hồ Gươm gồm có bốn cá thể, bao gồm: một được lưu trong đền Ngọc Sơn, một lưu trong kho của Bảo tàng Hà Nội và một đã bị chết năm 1962 - 1963 khi bò lên vườn hoa Chí Linh. Cá thể cuối cùng chính là Cụ Rùa Hồ Gươm đã được phát hiện chết hôm qua 19/1.

Gắn bó với nhiều truyền thuyết lịch sử và niềm tin mãnh liệt của người dân Việt Nam, cụ Rùa Hồ Gươm là một hình ảnh linh thiêng từ hàng ngàn năm nay.

Cụ Rùa Hồ Gươm chết hôm 19/1, là một cá thể cái, nặng 169 kg, chiều dài toàn thân là 185 cm; chiều rộng mai là 99 cm, chiều dài đuôi là 35 cm.

Vào tháng 4/2011, một số người dân đã chụp được những hình ảnh cụ Rùa nổi lên mặt nước với nhiều vết thương. Sau đó, một chiến dịch chữa bệnh cho cụ đã được tổ chức. Cụ Rùa được cách ly để khám, chữa bệnh trong hơn 3 tháng. Hồ Gươm cũng được lọc làm sạch nước để tạo môi trường bớt ô nhiễm hơn cho cụ khi đưa cụ trở lại sống.

Các vết thương của cụ Rùa hồ Gươm
Sau khi hoàn thành việc chữa trị, được đưa trở lại Hồ Gươm, Cụ Rùa vẫn đều đặn nổi lên phơi nắng. Gần đây nhất, ngày 21/12/2015, cụ Rùa đã nổi lên ở khu vực đối diện đường lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chính thời gian này, cuộc tranh luận về việc ở Hồ Gươm hiện còn một hay nhiều cụ rùa đã bùng lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên, với việc quây bắt chỉ được duy nhất một cá thể và trong suốt 3 tháng Cụ được cách ly không có cá thể nào khác nổi lên, các nhà khoa học đã kết luận rằng cụ Rùa chính là cá thể cuối cùng còn lại.

Những lần xuất hiện khó có thể lý giải của cụ Rùa


Bước ra từ truyền thuyết, số phận “cụ” Rùa Hồ Gươm trải qua hàng trăm năm, được dệt thêm những câu chuyện vừa hư, vừa thực. Có những điều giải thích được bằng khoa học, lại có những điều giờ đây vẫn là truyền thuyết. Có một điều lạ, những lần nổi của “cụ” Rùa, không ít người giật mình vì nó gắn với một sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng nào đó.

PGS Hà Đình Đức đã chọn và sắp xếp 37 trong tổng số hơn 200 lần “cụ” Rùa Hồ Gươm nổi lên kể từ năm 1991, ai cũng ngớ ra bởi nó trùng hợp một cách ngẫu nhiên với 37 sự kiện liên quan đến hoặc bản thân “cụ” hoặc của Thủ đô. Những ngày “cụ” Rùa nổi lên mặt nước xanh ngắt trùng với các sự kiện đáng chú ý ở Hà Nội, thời tiết, khí hậu đều không có gì bất thường. Đối với đông đảo người dân Việt Nam, “cụ” Rùa là một linh vật lịch sử sống, báu vật linh thiêng của đất nước, nên mỗi khi “cụ” nổi, người dân đều có niềm tin vào sự linh thiêng huyền bí, tốt lành.Đơn cử vào thời điểm 0h0’ ngày 1/1/2000, khi hàng vạn người dân Thủ đô tập trung quanh Hồ Gươm để cùng thế giới đón chào thiên niên kỷ mới, đúng lúc pháo hoa bắt đầu bắn thì “cụ” liên tục nổi lên mặt nước. Trong hoàn cảnh đó, không ít người đã rơi nước mắt vì hạnh phúc.

Cụ Rùa nổi lên mặt nước
Năm 2006, đúng vào ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (18/4) và ngày bế mạc Đại hội (26/4), “cụ” Rùa đều nổi lên. Tháng 11/2006, trong những ngày Thủ đô Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động đón mừng hội nghị APEC và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, “cụ” Rùa cũng liên tiếp nổi, bơi sát bờ, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Thủ đô và du khách quốc tế.

Đối với những sự kiện trọng đại của Thủ đô, “cụ” Rùa cũng hiện diện và chứng kiến. Ngày 10/10/2002 (kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Thủ đô), ngày 10/10/2009 (kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 999 năm Thăng Long – Hà Nội), mọi người đều trông thấy “cụ” Rùa thảnh thơi bơi lội tung tăng dưới chân cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn 

Gần đây nhất, giỗ vua Lê (22/8 Âm lịch) và hôm khai mạc Đại lễ nghìn năm Thăng Long (1/10/2010), “cụ” Rùa cũng xuất hiện chung vui với người dân Thủ đô. Ngày 13/10/2013, khi linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa về với đất mẹ Quảng Bình, “cụ” Rùa cũng bất ngờ nổi lên như để tiễn biệt Người. Sự kiện đặc biệt này đã gây ra nhiều lời đồn đoán kỳ lạ. Nhiều người cho rằng, mỗi khi “cụ” Rùa nổi lên đều gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước. Có người lại cho rằng, việc “cụ” nổi là dự báo cho những điềm lành xảy ra trong thời gian tới.

Rõ ràng, huyền thoại Hồ Gươm vừa hư vừa thực tồn tại suốt hàng ngàn năm qua. Và trong tận sâu thẳm tâm hồn người Việt, đâu đó trong lòng hồ trong xanh kia, thần Rùa vẫn đang ngày đêm canh giữ Gươm thần của tổ tiên. Dù thế nào, có lẽ trong tâm khảm mọi người Việt, Hồ Gươm mãi mãi thiêng liêng nhờ vào truyền thuyết Gươm thần và “cụ” Rùa Hồ Gươm mãi là biểu tượng sống động của truyền thuyết ấy.

Rùa Hồ Gươm từng cứu Lê Lợi thoát sự truy đuổi của giặc!?


Theo PGS Hà Đình Đức, hiện nay trong huyền sử vẫn còn lưu lại câu chuyện khi Lê Lợi chạy giặc ở Lam Kinh (Thanh Hóa) bỗng xuất hiện một con ba ba (giống rùa của Hồ Gươm) rất to đi sau xoá dấu vết. Sau này Lê Lợi phong con ba ba đó là “thần ba ba”. Cũng chính điều này lý giải tại sao, nhà Lê xem rùa ba ba như một linh vật. Theo PGS Đức, rùa đá đội bia ở Vĩnh Lăng (Lam Kinh) là loài rùa mai mềm. Khi tiến hành so sánh, nó rất giống về hình thái với tiêu bản rùa ở Hồ Gươm đang được trưng bày trong tủ kính ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cũng như “cụ” Rùa đang sinh sống tại Hồ Gươm.

Vào chiều tối qua 19/1, người dân phát hiện cụ Rùa nổi lên nhưng không có cử động. Sau đó, cụ Rùa được các cơ quan chức năng kết luận đã chết vì tuổi già theo đúng quy luật sinh lão bệnh tử.
(Sưu tầm)
    Blogger Comment
    Facebook Comment