Những thủ đoạn gián điệp đi vào huyền thoại

Trong vụ các điệp viên Nga bị Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) bắt hồi tháng 7/2010, phần lớn thủ đoạn mà các điệp viên Nga sử dụng vẫn là những thủ đoạn cũ được dạy ở các trường tình báo từ cách đây khá lâu.

Cụ thể, có 5 công nghệ có từ cách đây hàng thập kỷ hiện vẫn được sử dụng phổ biến trong thế giới “áo choàng và dao găm”. Những công nghệ này đã vượt qua mọi cuộc thử nghiệm về thời gian và phản gián và đi vào huyền thoại của thế giới gián điệp.

1. Mực mật

Trong đơn khiếu nại tội phạm chống lại các điệp viên nằm vùng của Nga bị nghi ngờ, FBI cáo buộc rằng những điệp viên này đã sử dụng mực vô hình để che giấu các thông tin liên lạc bí mật khỏi những con mắt tò mò. Điều này nghe tưởng chừng như một trò trẻ con, song trên thực tế mực vô hình từng là một công cụ tiêu chuẩn trong bộ công cụ gián điệp trong gần 90 năm.

“Những thông tin lâu đời nhất mà Chính phủ Mỹ vẫn coi là mật có từ thời kỳ Thế chiến thứ I. Đó là công thức để làm ra mực vô hình, còn lý do tại sao nó vẫn là mật là bởi vì có ai đó hiện vẫn đang sử dụng nó”, Stout nói với Nhật báo Tin tức Công nghệ.

Mực mật không thể nhìn thấy chữ viết bằng mắt thường.


2. Vô tuyến điện sóng ngắn

Các đối tượng tình nghi là gián điệp Nga còn sử dụng vô tuyến điện sóng ngắn để hoạt động. Vô tuyến điện sóng ngắn tương tự như vô tuyến điện nghiệp dư. Nó có thể truyền dữ liệu cũng như bài phát biểu. Giống như mực vô hình, vô tuyến điện sóng ngắn cũng được các điệp viên sử dụng từ trước thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Những gì bạn thấy là những khái niệm chung về các loại thiết bị thông tin liên lạc từ những thập niên 50, 60 và 70 hiện vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, những thiết bị này đã trải qua nhiều cải tiến kể từ đó. Những thiết bị cồng kềnh trước đây nay được thu nhỏ lại với các con chíp điện tử”, Stout cho biết.

Một trạm phát vô tuyến điện sóng ngắn nghiệp dư.


3. Truyền dẫn gói tin (Burst Transmissions)

Truyền dẫn gói tin là một loại truyền dẫn vô tuyến mà trong đó toàn bộ bức điện được tăng tốc lên đến điểm mà người nghe không còn nhận ra nó là tiếng của con người. Ngoài ra, với tốc độ nhanh hơn, bức điện được truyền trong không khí nhanh đến mức bất kỳ ai nghe nó cũng không thể xác định được vị trí truyền phát.

Khi mục tiêu định sẵn nhận được thông điệp, bức điện đó có thể được giảm tốc độ và được nghe ở tốc độ bình thường. “Đây là một công cụ tuyệt vời vì nó cho bạn lợi thế về vô tuyến điện, trong quá trình truyền điện bạn sẽ không bị đối phương phát hiện vị trí do bạn không mất nhiều thời gian để truyền bức điện đó”, Stout cho biết. “Những phiên bản thô sơ này được Đức sử dụng trong đầu Thế chiến thứ I".

4. Các trạm số

Kỹ thuật này có từ thời Thế chiến thứ II bao gồm việc phát sóng những chuỗi số dường như vô nghĩa trên sóng vô tuyến điện thông thường. Tuy nhiên, chính những dãy số đó khi được giải mã ra lại mang một thông điệp nhất định. Chẳng hạn, trong Thế chiến thứ II, BBC đã phát những dãy số này tới các binh sĩ Pháp làm nhiệm vụ phòng ngự để báo hiệu một cuộc tiến công sắp tới hoặc đưa ra những mệnh lệnh bắn phá cụ thể. Năm 2006, Carlos và Elsa Alvarez bị bắt tại Mỹ vì làm gián điệp cho Cuba. Họ nhận các mệnh lệnh thông qua trạm truyền số, Stout cho biết.

5. Thuật toán mã hóa chuyển vị

Trong Thế chiến thứ II, các thuật toán mã hóa chuyển vị là những mã tự động đảo vị trí các chữ cái trong một bức điện. Chẳng hạn, “hello there” khi được chuyển vị có thể trở thành “eereltlhho”. Những mã này cùng với công nghệ cần thiết để chuyển vị chúng hiện vẫn được coi là mật kể từ Thế chiến thứ II.
    Blogger Comment
    Facebook Comment