Hệ thống địa đạo
Địa đạo Củ Chi nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 70km về hướng
tây-bắc. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho
chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Địa đạo dài
khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi ẩn dưới các bụi cây.
Địa đạo được xây dựng vào cuối những năm 1940, trên vùng đất được
mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong
chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã sử
dụng hệ thống địa đạo này để tấn công Sài Gòn.
Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc
bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân
Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng, sau đó do nhu cầu đi lại giữa
địa đạo các làng xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thành
một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp, về sau phát triển rộng ra
nhiều nơi, nhất là 6 xã phía Bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn hầm, địa
đạo được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể
liên lạc, hỗ trợ nhau.
Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành
tuyến địa đạo trục gọi là "xương sống", sau đó các đoàn thể, cơ quan,
đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những
địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Bên trên mặt đất,
quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối
kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành
nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều
ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm
liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích,
gọi là xã chiến đấu.
Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ
thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200km, với 3 tầng sâu
khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất
khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn
là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp để xem
phim, văn nghệ, kho chứa vũ khí...
Tuy nhiên, cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt, nóng bức
cũng như điều kiện vệ sinh kém nên hầu như đa số những người sống ở địa
đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương, đặc biệt là sốt
rét. Do đó, khi chiến tranh kết thúc, chỉ còn khoảng 6.000 trong tổng số
16.000 cán bộ, chiến sĩ trường kỳ kháng chiến trong địa đạo còn sống.
Ngoài ra, việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là
vấn đề lớn nhất của cư dân địa đạo.
Mỹ bất lực và thua trận
Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, địa đạo Củ Chi là một nỗi
thất vọng lớn, câu hỏi khó đối với quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng
hòa. Mỹ và Australia từng cố gắng phát hiện và xâm nhập địa đạo bằng
nhiều cách, song tất cả nỗ lực đều thất bại. Quân đội Mỹ thậm chí từng
dùng máy ủi san bằng những khoảng rừng, ngôi làng, cánh đồng lớn và rải
chất độc da cam, ném bom napal, rưới xăng để tận diệt động thực vật.
Nhưng kỳ lạ thay, Việt Minh vẫn an toàn và tiếp tục sống, chiến đấu vì
đất nước.
Không thể giành ưu thế bằng chiến tranh hóa học, quân đội Mỹ bắt
đầu cắt cử nhiều binh lính xuống địa đạo. Những người này được gọi là
"chuột đường hầm". Họ được trang bị súng máy, dao, đèn pin. Song với sự
phức tạp của hệ thống và không có đường lui, binh sĩ Mỹ hầu hết thiệt
mạng.
Thấy vậy, Mỹ bắt đầu sử dụng chó chăn cừu của Đức để tìm kiếm các
cửa hầm và bộ đội Việt Minh. Nhưng những người trong địa đạo lại vô hiệu
hóa khả năng của chó săn khi tẩy sạch mùi bằng xà phòng, đồng thời sử
dụng quân phục của Mỹ khiến chó nhầm lẫn. Đặc biệt, lũ chó cũng không
thể phát hiện được các bẫy chông nên khá nhiều con bị chết hay thương
tật nặng.
Cuối cùng, vào những năm cuối thập kỷ 1960, Mỹ bắt đầu ném bom trải
thảm Củ Chi nhằm phá hủy một phần địa đạo cùng với mọi thứ xung quanh.
Nhưng hành động quân sự này trở nên vô ích vì sau đó, Mỹ thua trận.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 km được bảo vệ và trở thành
một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách được trải nghiệm cuộc sống dưới địa đạo như những cư dân thực
thụ trước đây như thưởng thức những món ăn của cư dân địa đạo trước đây.
Blogger Comment
Facebook Comment