Bí ẩn về những phụ kiện làm đẹp xa xỉ của phụ nữ Ai Cập cổ đại

Phụ nữ Ai Cập có rất nhiều phụ kiện đẹp xa xỉ đặc biệt là tóc giả, không những làm đẹp nó còn thể hiện địa vị và sự giàu có của mình.

Bí ẩn về những phụ kiện làm đẹp xa xỉ của phụ nữ Ai Cập cổ đại

Theo Ancient Origins, người Ai Cập cổ đại để nhiều kiểu tóc khác nhau tùy theo địa vị xã hội, giới tính và tuổi tác. Một nô lệ không được để tóc giống người tự do, và người thuộc tầng lớp hạ lưu không thể theo kiểu tóc của giới thượng lưu.

Nhìn chung, tóc của trẻ con tương đối giống nhau. Chúng được cạo đầu, chỉ để lại một lọn tóc dài. Kiểu tóc này liên quan đến biểu tượng chữ tượng hình chỉ đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên.


Khi trưởng thành, nam giới tiếp tục giữ kiểu đầu cạo trong khi nữ giới tết tóc bằng dây bện hoặc lông đuôi ngựa. Đàn ông thường để tóc ngắn lộ tai, nhưng đôi khi họ thích để tóc xoăn ngắn che ngoài tai.

So với đàn ông, phụ nữ Ai Cập cổ đại có nhiều kiểu tóc cầu kỳ và độc đáo hơn. Họ chuộng mái tóc mượt mà với sóng tóc tự nhiên. Họ cũng thích kiểu tóc xoăn dài, nhưng dưới thời Vương triều Cổ (năm 2686 - 2181 trước Công nguyên), phụ nữ thường để kiểu tóc ngắn qua tai hoặc dài đến ngang cằm.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester, Anh, đã kiểm tra tóc của 18 xác ướp, hầu hết thuộc thời kỳ đầu Vương triều Ptolemy. Họ quan sát những sợi tóc dưới kính hiển vi. Khi phân tích, các nhà nghiên cứu phát hiện tóc của 9 xác ướp chứa một chất lạ. Phân tích hóa học cho thấy nó được làm từ axit béo có nguồn gốc động vật và thực vật. Các nhà nghiên cứu tin rằng đó là một loại gel được người Ai Cập sử dụng để giữ hình dáng mái tóc.

Người Ai Cập cổ đại cũng đối mặt với vấn đề rụng tóc như con người thời nay và họ tạo ra nhiều loại thuốc mọc tóc dành cho nam giới. Một cuộn giấy cói có niên đại từ 1.500 năm trước Công nguyên đề cập đến việc sử dụng chất béo từ da đầu sư tử, cá sấu, rắn, ngỗng, mèo, dê, dê rừng, hoặc hà mã. Rau diếp thái nhỏ cũng được dùng để kích thích mọc tóc.

Người Ai Cập cổ đại sử dụng các loại dầu thơm như dầu cây thông, dầu hạnh nhân, dầu hương thảo, dầu thầu dầu cho cả tóc giả và tóc thật vì họ tin rằng các loại dầu sẽ kích thích mọc tóc. Hạt cỏ cà-ri phổ biến trong thời kỳ cổ đại được sử dụng như một loại thuốc kích thích mọc tóc.

Tuy nhiên, tóc giả ra đời vì một số lý do. Trước tiên, người Ai Cập không muốn có tóc màu xám hoặc trắng. Họ sử dụng cây lá móng để nhuộm tóc, nhưng với khí hậu khô tại Ai Cập, tóc giả trở thành giải pháp tốt hơn. Thứ hai, nhiều người nhận thấy sử dụng tóc giả thoải mái hơn so với việc nuôi tóc dài. Nghiên cứu các xác ướp cho thấy tóc của người Ai Cập cổ đại ở tình trạng rất xấu, đặc biệt khi lớn tuổi.

Việc dùng tóc giả làm đẹp không chỉ phổ biến ở Ai Cập mà còn lan đến vùng Lưỡng Hà, đảo Crete, Hy Lạp và Ba Tư. Tuy nhiên, người Ai Cập đã phát triển kỹ thuật chế tạo tóc giả đến độ hoàn hảo. Những bộ tóc giả đắt nhất dành cho hoàng gia trông hệt như tóc thật. Chúng được làm từ sợi thực vật như vải, lông cừu, các loại lông động vật và tóc người vuốt sáp ong.

Tóc giả không chỉ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của hoàng gia mà cả trong các lễ hội và sự kiện quan trọng. Tóc giả của người Ai Cập có kết cấu tương tự như mũ bảo hiểm, có màu xanh da trời sáng, màu đỏ và màu xanh lá cây, được trang trí bằng đá quý và đồ trang sức. Những người thuộc tầng lớp thượng lưu thích sở hữu nhiều bộ tóc giả để thể hiện địa vị cao quý của họ.

Người làm tóc giả chủ yếu là phụ nữ. Tóc giả được làm từ tóc của khách hàng đến cửa hàng cắt tóc, thỉnh thoảng có người bán tóc hoặc của nô lệ. Sau khi chết, phụ nữ Ai Cập cổ đại thường được chôn cùng bộ tóc giả đẹp nhất. Họ muốn duy trì vẻ giàu có cùng với mái tóc đẹp khi sang thế giới bên kia. Do đó, nhiều bộ tóc giả tồn tại đến tận bây giờ và được triển lãm trên toàn thế giới.

Những nữ hoàng tuyệt sắc như Nefertiti, Cleopatra, và Nefertari luôn tự hào về bộ tóc giả của mình. Nhiều người trong số họ đã cạo đầu và những bộ tóc giả góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp nổi tiếng của họ.

( Sưu tầm )
    Blogger Comment
    Facebook Comment