Bí ẩn trường thành cắt ngang Jordan

Bằng kỹ thuật chụp ảnh trên không, các nhà khảo cổ ở Jordan thu được hình ảnh về bức tường dài 150km mang nhiều bí ẩn lớn về thời gian, mục đích và người xây dựng. Cùng khám phá bí ẩn này nhé!

Bí ẩn trường thành cắt ngang Jordan

Theo Live Science, bức tường cổ Khatt Shebib được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1948. Alec Kirkbride, một đại sứ người Anh tại Jordan, phát hiện bức tường đá bí ẩn cắt ngang qua đất nước này trong một chuyến du lịch bằng máy bay.

Thông qua dự án khảo cổ học trên không ở Jordan (AAJ), các nhà nghiên cứu đã xem xét những gì còn sót lại của bức tường bằng kỹ thuật chụp không ảnh. Bức tường cổ chạy theo hướng từ Bắc - Đông Bắc tới Nam - Tây Nam, có tổng chiều dài 106 km, bao gồm nhiều đoạn tường song song và những đoạn rẽ nhánh.

"Nếu cộng thêm chiều dài các nhánh và đoạn tường song song, chiều dài thực tế của bức tường có thể lên tới 150km", nhóm nghiên cứu cho biết trong công bố trên tạp chí Zeitschrift für Orient-Archäologie hồi tháng hai.


Theo tác giả nghiên cứu, bức tường từng bị phá huỷ, nhưng lúc đầu, nó không thể cao quá một mét và rộng quá nửa mét.

Cùng với Khatt Shebib, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích của 100 tháp đường kính từ hai đến 4m. Một số tháp được xây sau khi bức tường hoàn thành, với mục đích khác nhau. Một số dùng để lánh nạn vào ban đêm hoặc tháp canh. Số khác được người đi săn sử dụng để theo dõi con mồi cho tới khi chúng đến đủ gần để bắn hạ.

Cho đến nay, thời gian, mục đích và người xây bức tường còn là một bí ẩn.Thông tin duy nhất mà các nhà khoa học thu được là từ đồ gốm tìm thấy trong các tháp và một số điểm dọc theo bức tường. Theo kết quả phân tích đồ gốm, bức tường được xây dựng vào khoảng giữa thời kỳ Nabatea (từ năm 312 trước Công nguyên đến năm 106) và thời kì Umayyad (năm 661-750).

Nhiều khả năng bức tường không phải do một đế chế lớn xây dựng. "Có thể dân cư địa phương quan sát thấy cộng đồng láng giềng xây tường. Họ bị thuyết phục trước tính khả dụng của nó nên sao chép lại", David Kennedy, giáo sư tại Đại học Western Australia, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.

Bức tường khá thấp và hẹp nên không thể phục vụ mục đích phòng ngự. Dấu vết nông nghiệp cổ đại ở phía tây bức tường chỉ ra công trình có thể là ranh giới giữa nông dân và dân du mục.

( Sưu tầm)
    Blogger Comment
    Facebook Comment