Một tượng gỗ ở Nga mang rất nhiều những ký tự trừu tượng mà con người vẫn chưa thể giải mã, Cùng khám phá bí ẩn về tượng gỗ 7 mặt cổ xưa nhất thế giới này.
Khám phá bí ẩn về tượng gỗ 7 mặt cổ xưa nhất thế giới
Tượng Shigir là một tác phẩm bằng gỗ có niên đại khoảng 9.500 năm. |
Shigir - tên một tượng gỗ từ thời đồ đá trong Bảo tàng Lịch sử Yekaterinburg ở Nga - là bức tượng gỗ lâu đời nhất trên thế giới. Tượng ra đời trước bãi đá cổ Stonehenge ở Anh từ 4.000 đến 5.000 năm và có niên đại gấp đôi kim tự tháp Ai Cập. Một số nhà nghiên cứu tin rằng, những ký hiệu hình học và dấu hiệu lạ mà người xưa khắc trên bức tượng chứa nhiều thông tin về thế giới Thời kỳ Đồ đá giữa,Siberian Times đưa tin.
Người ta phát hiện tượng Shigir gần thành phố Kirovgrad ở phía tây Siberia, Nga vào tháng 1/1890. Lúc ấy tượng chỉ gồm nhiều mảnh vỡ bên dưới lớp than bùn có độ dày tới 4 m dưới đầm lầy ở mỏ vàng. Than bùn ngăn chặn vi khuẩn nên tượng không mục nát và còn tương đối nguyên vẹn sau vài nghìn năm.
Dmitry Lobanov, một giáo sư người Nga, ghép mảnh vỡ để tạo bức tượng với chiều cao 2,8 mét. Song vào năm 1914, Vladimir Tolmachev, một nhà khảo cổ tại Siberia, đã đề xuất một phiên bản khác bằng cách dùng những mảnh mà Lobanov không dùng. Ông cho rằng chiều cao của nó là 5,3 m. Một đoạn tượng có chiều dài khoảng 1,93 m biến mất sau những cuộc chiến tranh và cách mạng trong thế kỷ 20. Nhưng ngay cả với chiều cao 2,8 m, Shigir vẫn là tượng gỗ cao nhất hành tinh.
Niên đại của tượng là chủ đề gây tranh cãi trong một thời gian dài. Ban đầu các chuyên gia đánh giá nó đã tồn tại khoảng 9.500 năm và dường như có 7 mặt.
Nguyên liệu để người xưa tạc tượng là gỗ thông rụng lá. Họ dùng công cụ đá thô sơ để khắc những biểu tượng hình học - như xương cá, chữ V, đường thẳng - và nhiều ký hiệu trừu tượng khác lên tượng. Nhiều đường kẻ ngang (tượng trưng cho xương sườn) được khắc ở giữa phần thân cây gỗ hình chữ nhật.
Vị trí của 7 khuôn mặt trên các mảnh vỡ của tượng. Ngoài ra người xem còn thấy rất nhiều ký hiệu trừu tượng |
Một giả thuyết cho rằng khuôn mặt của bức tượng mang thông tin mã hóa của con người thuộc thời đại Đồ đá giữa. Đây cũng là cách để người xưa truyền lại nhận thức sơ khai về nguồn gốc con người và thế giới cho hậu thế. Song một số người lại tin bức tượng là một bản đồ thời cổ đại. Những đường thẳng, đường lượn sóng, và mũi tên là cách người xưa chỉ dẫn lộ trình đến một địa điểm và số lượng ngày của cuộc hành trình.
Hiện tại giới chức Nga đã cho phép một số nhà khoa học Đức nghiên cứu bức tượng để xác định chính xác tuổi của nó với sai số 50 năm.
"Không bức tượng gỗ nào ở châu Âu có niên đại lớn như Shigir. Nghiên cứu nó là ước mơ của chúng tôi", giáo sư Thomas Terberger - một chuyên gia của Cơ quan Di sản Văn hóa bang Hạ Saxony, Đức - phát biểu.
Uwe Hoysner, một nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ Berlin, nói rằng niên đại tối thiểu của gỗ thông mà người xưa dùng để tạc bức tượng là 159 năm.
( Sưu tầm )
Blogger Comment
Facebook Comment