Hoàng đế Quang Trung và những bí ẩn lịch sử

Quang Trung Nguyễn Huệ, vị Hoàng đế kiệt xuất, anh hùng dân tộc lỗi lạc đồng thời là vị tướng tài ba bách chiến bách thắng với bao võ công hiển hách đã được nhiều học giả, sách báo ngợi ca từ nhiều năm qua. Vậy nhưng còn nhiều điều bí ẩn xung quanh cuộc đời và sự nghiệp lừng lẫy nhưng quá ngắn ngủi của vị Hoàng đế kiệt xuất này đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu nhiều lĩnh vực.



Trong lĩnh vực quân sự, anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đặc biệt có tài nghệ cầm quân, chỉ huy thần tốc, táo bạo như "xuất quỷ nhập thần", biết "chiêu hiền đãi sỹ”... Nhưng có lẽ điều bí ẩn lớn nhất là sự kiện Ngài mất đột ngột ở tuổi chưa tới 40 và mộ thật của Hoàng đế Quang Trung hiện ở đâu, đến nay vẫn đang là những dấu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.


Các tài liệu chính sử từ triều Nguyễn đều ghi mộ của hai vua là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bị triều Gia Long quật lên nghiền nát, hộp sọ bị giam vào ngục tối... Một thời gian dài suốt triều Nguyễn, lịch sử đều tin theo vậy. Những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt nhiều nghi vấn về điều này, dựa trên những điều "khả nghi" nhưng có cơ sở thuyết phục. Cụ thể như với tài năng cầm quân và trị nước kiệt xuất của Ngài như vậy, lẽ nào lại để cho quan quân Gia Long dễ dàng tìm được mộ của mình để trả thù mà việc đó đã được Ngài tiên liệu? Ngay chính sử cũng từng ghi lại được lời trăng trối của vua Quang Trung với cận thần (Trần Quang Diệu) và thái tử Quang Toản thể hiện sự tiên liệu đó: "Ta nay bị bệnh tất không qua khỏi, các ngươi nên giúp thái tử sớm dời về Vĩnh Đô (tức Phượng Hoàng Trung Đô) để khống chế thiên hạ, bằng không quân Gia Định tới đây các ngươi không có đất chôn đâu".


Để có thể trả lời cho câu hỏi mộ của Hoàng đế Quang Trung được táng ở đâu, tháng 5-2011, tại Tp. Vinh lần đầu tiên tổ chức cuộc hội thảo khoa học "Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô" quy tụ nhiều nhà nghiên cứu và nhiều nhà ngoại cảm thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (NCTNCN). Tại hội thảo này, hầu hết các nhà nghiên cứu ở Trung ương và các địa phương cả nước đều thống nhất nhận định rằng: Nhiều khả năng phần mộ thật của Hoàng đế Quang Trung được bí mật an táng tại Phượng Hoàng Trung Đô (PHTĐ). Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật từ Tp. Hồ Chí Minh còn đọc tham luận với tựa đề "Phượng Hoàng Trung Đô hay là di mộ của vua Quang Trung" trên cơ sở phân tích về mặt phong thủy của khu vực đặt PHTĐ, được La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thuận theo.


Cũng qua hội thảo này, nhiều vấn đề bí ẩn khác xung quanh Hoàng đế Quang Trung với PHTĐ được nêu lên đang cần tiếp tục làm sáng tỏ. Đơn cử như việc xây dựng PHTĐ, có nhiều ý kiến cho rằng còn xây dở dang thì bị đổ sập, nhưng cũng nhiều ý kiến ngược lại, khẳng định đã xây xong, vua Quang Trung đã định đô ở đây và nhiều lần ngự giá tại đây. Một trong những căn cứ cho nhận định này là trong một bức thư tự tay vua Quang Trung viết gửi cho La Sơn Phu Tử có đoạn: "Trẫm nay đóng đô ở Nghệ An cùng Tiên sinh gần gũi, rồi đây Tiên sinh hãy ra giúp nhau trị nước...". Đáng chú ý tại hội thảo này, trong tham luận của đại diện Trung tâm NCTNCN cũng nêu lên việc xác định ngôi mộ thật của vua Quang Trung đang là "vấn đề tồn tại" và đề cập vai trò của các nhà ngoại cảm có thể giải quyết được dù còn rất nhiều khó khăn.

Theo ý kiến của nhiều nhà ngoại cảm mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trao đổi cho rằng, phương pháp tìm mộ vua Quang Trung cần rất thận trọng, phải có sự phối hợp tất cả các bộ môn, các nhà ngoại cảm và sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bởi vì: Phương pháp tìm mộ vua Quang Trung bằng ngoại cảm chỉ hy vọng chính xác qua việc "kiểm tra chéo" thông tin từ nhiều nhà ngoại cảm (số có khả năng này không nhiều). Còn phương pháp "áp vong" không thể thực hiện được bởi dòng trực huyết với Hoàng đế Quang Trung không còn ai (vừa để áp vong và để thử ADN). Nhưng muốn thực hiện được việc "kiểm tra chéo" này lại cần có một nghi thức trang trọng đúng tầm một "bậc Hoàng đế".


Tham luận của Trung tâm NCTNCN còn cho rằng, nếu phương pháp này được thực hiện thì cả khả năng "có một chân dung thật của Hoàng đế Quang Trung" cũng có thể thực hiện được. Ngoài ra, một số nhà ngoại cảm còn đưa ra phương pháp tìm mộ thật ông tổ nhà Tây Sơn ở Hưng Nguyên như đã từng thực hiện trong cuộc tìm mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập thời gian gần đây. Nhờ sự giúp đỡ của ông tổ chỉ ra vị trí của mộ vua Quang Trung là có thể thực hiện được.


Trên thực tế, từ thế kỷ trước đến nay đã có nhiều giả thiết khác nhau về ngôi mộ thật của vua Quang Trung. Giả thiết mộ đặt tại PHTĐ (Nghệ An) tuy mới đưa ra gần đây nhưng có nhiều thông tin cảm nhận (kể cả nhà ngoại cảm và nhà nghiên cứu) đều khá thống nhất, rất có niềm tin vững chắc. Việc nhiều nhà nghiên cứu trong tham luận tại hội thảo này đều thống nhất "đoán định" rằng, quá trình xây dựng PHTĐ cũng là quá trình Quang Trung bí mật chuẩn bị cho phần mộ của mình rất đáng được lưu tâm bởi: Vua Quang Trung rất nóng lòng và kiên quyết trong việc xây nhanh PHTĐ và phải dời chuyển vị trí tới ba lần trong khi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không tích cực giúp vua trong vấn đề này.


Thực tế, quá trình xây dựng PHTĐ rất chậm chạp, kéo dài 4 năm tới khi vua Quang Trung mất vẫn chưa hoàn thiện. Phải chăng La Sơn Phu Tử cũng đoán biết được sự "đoản mệnh" của vua Quang Trung và triều Tây Sơn hay còn vì một lẽ nào nữa? Học giả Hoàng Xuân Hãn trong sách "La Sơn Phu Tử" đã đưa ra nhận định: Có thể La Sơn Phu Tử không muốn vua Quang Trung dời đô ra Nghệ An bởi như thế sẽ làm cho người dân xứ Nghệ thêm khổ cực lầm than vì lao dịch phu phen và chiến trận kéo dài. Ngay cả việc Quang Trung phải tới 3-4 lần viết thư mời ra hợp tác, La Sơn Phu Tử vẫn một mực từ chối, chỉ đến khi đại thắng quân Thanh và triều Lê dứt hẳn, cụ mới xiêu lòng chịu ra hợp tác trên lĩnh vực giáo học (lập Sùng chính thư viện tại Nam Hoa gần quê nhà). Đây cũng là vấn đề còn nhiều bí ẩn về cả vua Quang Trung và La Sơn Phu Tử cần được làm sáng rõ.


Việc soi sáng những điều bí ẩn về Hoàng đế Quang Trung và PHTĐ ở Nghệ An không chỉ là ước nguyện sâu xa của người dân xứ Nghệ mà trở thành nỗi khát khao, mong mỏi chung của cả nước, nhất là các học giả, nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Đó cũng là niềm tự hào dân tộc lớn lao bởi đây là vị Hoàng đế hiếm có trong lịch sử, vị tướng lừng danh không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới thời cận đại. Chúng tôi tin rằng, trong thời đại văn minh hiện nay, việc làm sáng tỏ những bí ẩn lịch sử này chỉ còn là vấn đề thời gian.
-st-
    Blogger Comment
    Facebook Comment